Nhiều nước phản đối đề nghị cải cách chính sách tị nạn của EC
Ngày 8/4 Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło khẳng định nhóm bốn nước
Trung-Đông Âu (Visegrad) bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia và Ba
Lan sẽ không đồng ý với bất cứ một sự thay đổi nào liên quan tới quy
định hiện nay của Ủy ban châu Âu EC về phân bổ người tị nạn.
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Séc
Bohuslap Sobotka tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Szydło nói rằng lập trường
trước sau như một của nhóm Visegrad là phản đối cơ chế phân bổ hạn
ngạch người di cư vĩnh viễn của Ủy ban châu Âu cho các nước thành viên.
Bà Szydło cùng chung quan điểm với Thủ tướng Cộng hòa Séc cho rằng
tình hình cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu có cải thiện trong
thời gian gần đây, nhưng điều quan trọng vẫn phải giải quyết nguyên nhân
gốc rễ của làn sóng di cư này.
Theo bà Szydło, ưu tiên hiện nay vẫn là bảo vệ biên giới ngoại biên
của EU, thực hiện đầy đủ thỏa thuận đạt được gần đây giữa EU và Thổ Nhĩ
Kỳ, đồng thời hỗ trợ các nước Tây Balkan đang đối mặt với sức ép của làn
sóng người di cư.
Còn Thủ tướng Cộng hòa Séc Sobotka nhấn mạnh, Ủy ban châu Âu không
nên thực hiện chính sách phân bổ người tị nạn vĩnh viễn dựa trên cơ chế
cấp hạn ngạch cho các nước thành viên, và cho rằng những đề xuất mới của
Ủy ban châu Âu đang làm giảm ưu thế quyền lực của các nước thành viên.
Những đề xuất cải cách mới của Ủy ban châu Âu EC đối với quy chế xin
tị nạn Dublin nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay đang
vấp phải sự phản đối gay gắt của các nước Trung-và Đông Âu.
Cộng hòa Séc, nước hiện đang là chủ tịch của nhóm Visegrad, là nước
đầu tiên phản đối đề xuất này. Sau Ba Lan, Thủ tướng Cộng hòa Séc
Sobotka dự kiến sẽ có chuyến công du tới Slovakia và Hungary vào tuần
tới nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn của hai nước này đối với quan điểm nhóm
Visegrad phản đối đề xuất cải cách mới của Ủy ban châu Âu./.
Hữu Bình/VOV-Praha